Vốn đã tồn tại từ rất lâu nhưng những hiểu biết về cộng đồng LGBT còn hạn chế. Chính vì điều này đã hình thành nên những định kiến “khắc nghiệt” về cộng đồng LGBT trong xã hội, gây nên những rào cản nhất định trong việc tìm hiểu, nhận diện bản dạng giới và xu hướng tính dục của con người.
Về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng – Giảng viên Khoa Công tác xã hội – Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi cùng website trường.
LGBT là điều hoàn toàn tự nhiên của tạo hóa
Trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại nhiều định kiến đối với người LGBT. Thực tế, nhiều người cho rằng LGBT là những người có vấn đề về bệnh tâm thần, người không tuân thủ đúng chuẩn mực xã hội. Điều này xuất phát từ nhận thức của những người trong xã hội không hiểu biết rõ về LGBT. “Trước đây, khi nhận thức của xã hội về LGBT không đầy đủ, nhiều người vẫn xem LGBT là “bệnh” nhưng bắt đầu năm 1990 thì tổ chức Y tế thế giới WHO đã loại LGBT ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Như vậy, LGBT không khác gì những người dị tính khác trong xã hội” – ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng chia sẻ.
Đề cập đến yếu tố tác động đến xu hướng tính dục của người LGBT, Th.S Thanh Tùng khẳng định, LGBT là vấn đề hoàn toàn tự nhiên của tạo hóa, không ai có thể lựa chọn giới tính cho mình khi sinh ra nhưng họ hoàn toàn có quyền sống thật với giới tính và xu hướng tính dục của mình. “Xã hội cần nhìn nhận rằng, người LGBT cũng giống như người dị tính, xu hướng tính dục do tạo hóa tự nhiên. Thực ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vốn xuất phát từ chủ nghĩa độc tôn dị tính. Nói chung, dị tính là điều bình thường, ngược lại, không phải dị tính là điều bất thường. Xã hội cần loại bỏ quan niệm này, để người LGBT tránh được sự kỳ thị và phân biệt đối xử, dẫn đến những hậu quả xã hội không mong muốn”- Th.S Thanh Tùng cho biết.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, trước đây sao không có hoặc ít người LGBT, khi xã hội càng hiện đại thì người LGBT lại càng nhiều. Liệu rằng, môi trường ô nhiễm, hóa chất tác động dẫn đến sự biến đổi của con người. Về điều này, ThS. Thanh Tùng nhận định: “Ngày xưa, khi nhận thức xã hội còn thấp, mọi người không chấp nhận LGBT, thì hầu như tất cả những người LGBT cố gắng giấu bản thân mình đi và không dám sống thật với chính mình. Bởi vì nếu thể hiện bản thân mình thì họ đối mặt với rất nhiều rủi ro. Những người LGBT sẽ rất khó sống yên bình trong một xã hội không chấp nhận họ”.
ThS. Thanh Tùng giải thích, ngày nay, xã hội ngày càng hiện đại, tư tưởng của con người trở nên cởi mở hơn, nhận thức xã hội vì thế cũng được nâng cao. Vì vậy, người LGBT có quyền và cơ hội để khẳng định bản thân, công khai bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình. Đặc biệt, ở các thành phố lớn – nơi nhận thức của người dân về LGBT cao thì số lượng người công khai bản dạng giới và xu hướng tính dục khá phổ biến. Có một khoảng thời gian, những người LGBT ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa lên thành phố để được sống thật với bản thân. Chính vì vậy, số lượng người LGBT nhiều hơn trước đây. Theo thống kê, hiện nay người LGBT chiếm khoảng 3% dân số.
Đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử
Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng khiến người LGBT đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Trong đó, gia đình là yếu tố đầu tiên họ phải đối diện. “Có rất nhiều trường hợp, khi một đứa trẻ thể hiện bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình thì cha mẹ sẽ tìm mọi cách nắn “thẳng” con mình lại bằng việc dẫn con đến bệnh viện nhờ bác sĩ chữa trị. Trong trường hợp bác chuẩn đoán bình thường, họ lại đưa con đến bác sỹ tâm lý. Khi bác sỹ tâm lý cho biết LGBT không phải bệnh, họ tiếp tục đưa con đến những nơi thăm khám về bệnh tâm thần hoặc sử dụng các cách chữa trị mang tính mê tín dị đoan. Thậm chí, cha mẹ còn sử dụng các hình thức bạo lực khác nhau lên con: la mắng, đe dọa, thậm chí là đánh đập” – ThS. Thanh Tùng cho biết.
ThS. Thanh Tùng chia sẻ, ở trường học, họ cũng bị những định kiến và phân biệt đối xử như vậy. Nhiều nghiên cứu của các tổ chức iSEE, UNICEF, UNDP chỉ ra rằng, có sự bạo lực giới trong môi trường học, đặc biệt các bạn học sinh là LGBT. Ngay khi bước chân vào môi trường học tập, họ đã gặp phải những tình huống khó xử, ví dụ quy định đồng phục, nam phải mặc áo sơ mi quần tây, nữ mặc váy khi đến trường hoặc thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử tới từ bạn bè, thầy cô và nhân viên trường học.
Không dừng lại ở đó, bước vào xã hội, họ phải chịu đựng nhiều lời nói khó nghe đến thái độ dè biểu, chê bai từ những người xung quanh. Khi xin việc làm, nhà tuyển dụng biết họ là LGBT sẽ không nhận họ làm việc hoặc trả mức lương thấp hơn. Những nơi nhà trọ, một số chủ trọ không cho người LGBT thuê nhà. Khi gặp sự cố về vấn đề sức khỏe, họ cũng nhận sự kỳ thị, phân biệt ở những nơi khám chữa bệnh…
Hiện nay, rất nhiều nhóm, tổ chức của người LGBT thực hiện các dự án, chương trình, hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ nhằm mục đích nâng cao nhận thức xã hội về LGBT. Trong đó, các hoạt động đấu tranh đòi những quyền mà người LGBT đáng được hưởng như người dị tính: hôn nhân đồng giới, thay đổi thông tin trên CMND, giấy tờ liên quan khi chuyển giới, được sinh con, nhận con nuôi, v.v…
Người LGBT cần cố gắng hoàn chỉnh bản thân, hạn chế sự phô trương quá mức không hợp với chuẩn mực xã hội. “Bản thân người LGBT cũng phải có sự nỗ lực và cố gắng. Nếu như họ gặt hái được thành công thì họ sẽ trở thành tấm gương sáng để người khác học hỏi. Đây là giải pháp hữu hiệu để xã hội thay đổi cách nhìn và công nhận năng lực, tài năng của người LGBT” – ThS. Thanh Tùng nhắn nhủ.
Nâng cao nhận thức xã hội
ThS. Thanh Tùng nhận định, khi nhận thức của người thân và những người xung quanh về LGBT được nâng cao thì người LGBT sẽ được đối xử tốt hơn. Để làm được điều này cần phải xuất phát từ những thứ gần gũi nhất là gia đình. “Trong gia đình, nếu cha mẹ biết con mình là LGBT đầu tiên họ sẽ bị sốc bởi vì không ai muốn con mình khác biệt với những người khác. Bạn muốn cha mẹ chấp nhận con người thật của mình thì hãy cho họ thời gian để chấp nhận mình. Khi cha mẹ đã có đủ thời gian để chuẩn bị tâm lý, họ sẽ dần dần chấp nhận, yêu thương và sẵn sàng đón nhận bạn” – ThS. Thanh Tùng chia sẻ.
Góp phần to lớn vào công cuộc nâng cao nhận thức xã hội là các cá nhân, tổ chức, hoạt động dành cho LGBT, các nhóm đồng đẳng LGBT hiện đang hoạt động rất sôi nổi. ThS. Thanh Tùng cho biết:“Cách đây 10 năm, LGBT là một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng hiện nay mọi người dường như đã quen thuộc với LGBT. Rất nhiều tổ chức đã tuyên truyền các tài liệu liên quan đến LGBT vào các trường học và thu nhận được các kết quả nhất định”. ThS. Thanh Tùng phân tích, Tổ chức ICS, iSEE có thư viện LGBT với rất nhiều nghiên cứu về người LGBT, ai cũng có thể truy cập vào các nghiên cứu đó trên không gian mạng. Ngoài ra, Trung tâm ICS (Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam) đưa những hoạt động liên quan đến trường học cầu vồng vào trường học ở cấp phổ thông, giúp nâng cao tuyên truyền về LGBT ngay từ thời học sinh.
ThS. Thanh Tùng chia sẻ:“Những vấn đề về LGBT được lồng ghép trong các chương trình giáo dục giới tính hiện nay. Một số trường cũng đã đưa các dự án LGBT vào để nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, học sinh”. Song song đó, các tổ chức như SCI, UNDP, CSAGA đã bắt đầu kết hợp với các trường đại học mở các khóa tập huấn, thực hiện các dự án với các hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức xã hội về LGBT. Tại khoa Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, môn Công tác Xã hội với người đồng tính, song tính và chuyển giới được đưa vào chương trình đào tạo cho cử nhân lẫn thạc sĩ. Qua đó, có thể thấy sự rộng mở trong lĩnh vực nghiên cứu về LGBT.
Nhiều người LGBT ấp ủ khao khát được công khai bản dạng giới và xu hướng tính dục bản thân để tìm kiếm hạnh phúc. ThS. Thanh Tùng đưa ra lời khuyên, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi thực hiện điều này vì họ sẽ phải đối mặc với rất nhiều khó khăn. Theo đó, họ nên vững vàng về mặt tài chính, có nghề nghiệp ổn định và khả năng xử lý tình huống tốt. “Các bạn hãy tự tin là chính mình. Thực tế, bạn không thể chối bỏ những gì tạo hóa đã trao tặng ngay từ thuở lọt lòng mẹ. Hơn hết, bạn cần chấp nhận và sống thật bản thân, tự tin chứng tỏ năng lực với gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội. Hãy tạo ra điều tích cực để mọi người nhìn nhận đúng giá trị của bạn” – ThS. Thanh Tùng gửi gắm.